Menu
Vừa qua, vụ việc tham nhũng bán rẻ 32ha đất công tại Khu dân cư Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TpHCM khiến nhiều người tò mò về tính pháp lý và giá trị của đất công. Vậy Đất công là gì? Ai là người có thẩm quyền quyết định chuyển nhượng đất công? Cùng Sài Gòn Royal tìm câu trả lời trong bài viết dưới đây nhé!
Đất công là gì?
Trong luật đất đai của nước ta hiện nay chưa có khái niệm về đất công. Tuy nhiên, có thể hiểu nôm na, đất công là phần đất chỉ sử dụng vào các mục đích công cộng, xây dựng các công trình Nhà nước, an ninh quốc phòng, đất nghĩa trang, đất chưa sử dụng, đất nhà nước chưa cho thuê, hoặc các quỹ đất được Nhà nước quản lý bằng văn bản pháp luật.
Kể từ sau khi nền kinh tế chuyển đổi từ bao cấp sang thị trường, quỹ đất công được xem tài sản giá trị có thể dễ dàng chuyển thành nguồn lực tài chính của quốc gia.
Trái ngược với đất công, đất tư là đất do các tổ chức kinh tế không thuộc sở hữu Nhà nước, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư sử dụng.
Đất công ích là gì?
Đất công ích là quỹ đất nông nghiệp do UBND cấp xã nơi có đất quản lý, sử dụng vào mục đích công ích của xã, phường, thị trấn đó.
Quy định về quản lý đất công
Quyền quản lý đất công thuộc cấp xã
Quyền quản lý đất công do Nhà nước quy định thuộc về cấp xã được thể hiện tại
- Khoản 2 điều 7 Luật đất đai 2013,
UBND cấp xã được sử dụng đất nông nghiệp vào mục đích công ích; được giao đất phi nông nghiệp để sử dụng vào mục đích xây dựng trụ sở UBND, các công trình công cộng phục vụ hoạt động văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục thể thao, vui chơi, giải trí, chợ, nghĩa trang, nghĩa địa và công trình công cộng khác của địa phương.
- Khoản 1 Điều 164, khoản 2 Điều 8 và khoản 2 Điều 141 Luật đất đai 2013
UBND cấp xã quản lý đất sử dụng vào mục đích công cộng, đất chưa giao, chưa cho thuê tại địa phương bao gồm đất bãi bồi, ven sông ven biển và đất chưa sử dụng thuộc địa phận xã, phường, thị trấn.
Quyền quản lý đất công thuộc cấp huyện
- Khoản 2 Điều 141 Luật đất đai 2013, UBND cấp huyện quản lý đất bãi bồi ven sông, ven biển thường xuyên được bồi tụ hoặc thường xuyên bị sạt lở.
Quyền quản lý đất công thuộc cấp tỉnh
- Theo khoản 2 Điều 164 Luật đất đai 2013, UBND cấp tỉnh quản lý đất chưa sử dụng tại các đảo chưa có người ở thuộc địa phương.
Cơ sở xác định đất công theo luật đất đai là gì?
Theo Điều 45 Luật Đất đai 1993, HĐND cấp tỉnh sẽ ra một Nghị quyết về việc quyết định cho xã được lập quỹ đất nông nghiệp. Nhưng từ khi Luật Đất đai 2003 có hiệu lực thì việc tạo lập quỹ đất nông nghiệp sẽ do mỗi xã tự quyết định. Cụ thể như sau:
Đất công phải là đất nông nghiệp
Từ 01/07/2004 tới hiện nay thì quỹ đất nông nghiệp chỉ được tạo lập bởi đất trồng cây hàng năm, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản. Theo Luật Đất đai 2013, các trường hợp xác định nguồn quỹ đất công được quy định trong các trường hợp sau:
Người dân trả lại đất cho Nhà nước: Đây là việc người sử dụng đất tự nguyện trả lại đất, thuộc trường hợp bị hồi đất. Cơ quan có thẩm quyền ra quyết định thu hồi đất là UBND cấp tỉnh, hoặc tỉnh có thể ủy quyền cho UBND cấp huyện thu hồi.
Người dân tặng cho quyền sử dụng đất cho Nhà nước: Đây là trường hợp các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, hoặc cá nhân tự nguyện giao quyền sử dụng đất của mình và chuyển cho Nhà nước mà không đòi hỏi được đền bù và được Nhà nước đồng ý nhận.
Theo đó, hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất giữa Nhà nước và tổ chức, cá nhân đó phải được công chứng, chứng thực theo điểm a Khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai 2013.
Đất khai hoang, đất nông nghiệp bị thu hồi: Đất rơi vào trường hợp bị thu hồi thì cơ quan có thẫm quyền sẽ ra quyết định thu hồi.
Đất sử dụng cho mục đích công ích của địa phương
Về nguyên tắc, quỹ đất nông nghiệp không được vượt quá 5% tổng diện tích đất trồng cây hàng năm, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản.
Nếu chưa sử dụng thì UBND cấp xã có quyền cấp cho hộ gia đình, cá nhân trong địa phương thuê trong vòng 5 năm để sản xuất nông nghiệp, sau 5 năm thì hộ gia đình có nghĩa vụ thuê lại, nếu không sẽ bị thu hồi đất.
Trường hợp vượt quá 5% thì phần đất vượt quá sẽ được dùng để xây dựng hoặc bồi thường khi sử dụng đất khác để xây dựng các công trình công cộng của địa phương. Tiền cho thuê đất thu được phải được dùng vào mục đích công ích của xã, phường, thị trấn, hoặc nộp vào ngân sách nhà nước do UBND cấp xã quản lý theo quy định.
Thu hồi đất công có được bồi thường không?
Theo Điều 76, Luật đất đai 2013 quy định, thu hồi đất công sẽ không được bồi thường về đất nhưng được bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại áp dụng vào các trường hợp sau:
- Đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích của xã, phường, thị trấn;
- Chi phí đầu tư vào đất còn lại bao gồm một phần hoặc toàn bộ các khoản chi phí sau: chi phí san lấp mặt bằng; chi phí cải tạo đất; chi phí gia cố khả năng chịu rung, sụt lún đất với đất sản xuất kinh doanh; Chi phí khác có liên quan đã đầu tư vào đất phù hợp với mục đích sử dụng đất.
Tuy nhiên, để được bồi thường khoảng chi phí đầu tư vào đất. Cá nhân phải cung cấp hồ sơ, chứng từ chứng minh đã đầu tư vào đất. Trường hợp không có hồ sơ chứng minh thì UBND cấp tỉnh căn cứ vào tình trạng thực tế để xác định chi phí đó.
- Chi phí đầu tư vào đất không có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước.
Hiện nay vấn để quản lý đất công còn tồn tại rất nhiều vướng mắc, điển hình là tình trạng thu hồi đất để phục vụ các nhu cầu phát triển hạ tầng, sản xuất kinh doanh và dân sinh luôn diễn ra chậm trễ, tốn kém và không thỏa mãn nhu cầu chính đáng của người có đất bị thu hồi. Chính vì vậy, hàng loạt các khiếu kiện, khiếu nại vẫn kéo dài và liên tục, tình trạng tham nhũng bán đất công giá rẻ trái phép khiến chúng mất đi giá trị.